Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3

04/03/2021 21:21

Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới

Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược, trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới; đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản;...

Với lĩnh vực y tế, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030;...

Còn trong lĩnh vực giáo dục, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030;...

Triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới

Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Chiến lược là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, xây dựng và triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó vời bạo lực trên cơ sở giới: Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Hàng năm, tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12.

Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia.

Mức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2021/NĐ-CP quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án.

Nghị định số 16/2021/NĐ-CP quy định chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm:

1- Chi thù lao cho Hòa giải viên, chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải (chi văn phòng phẩm, nước uống, cước phí bưu chính, viễn thông phục vụ trực tiếp việc hòa giải).

2- Đối với vụ việc hòa giải, đối thoại còn lại, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:

Chi phí khi các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê địa điểm và chi phí khác trực tiếp phục vụ việc hòa giải, đối thoại theo thực tế phát sinh;

Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại có trụ sở theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng để phục vụ xem xét hiện trạng tài sản;

Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm: chi phí thuê người biên dịch, thuê người phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại.

Nghị định nêu rõ, mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án quy định tại (1) là 2.000.000 đồng/01 vụ việc.

Mức thu để chi các nội dung quy định tại (2) xác định như sau:

a- Đối với các khoản chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định: Mức thu căn cứ theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b- Đối với các khoản chi khác: Mức thu căn cứ theo thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị của nhà nước.

Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nghĩa vụ nộp chi phí quy định trên theo tỷ lệ do các bên thỏa thuận.

Trường hợp không thỏa thuận được thì các bên có nghĩa vụ nộp chi phí quy định trên với tỷ lệ như nhau.

Tòa án nơi giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án tổ chức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Hòa giải viên được hưởng mức thù lao tới 1,5 triệu đồng/1 vụ việc

Nghị định quy định hòa giải viên được trả thù lao theo từng vụ việc sau khi đã tiến hành phiên hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Mức thù lao của Hòa giải viên như sau:

- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải viên được hưởng mức thù lao cụ thể trong khung mức thù lao từ 1.000.000 đồng/01 vụ việc đến tối đa 1.500.000 đồng/01 vụ việc.

- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải viên được hưởng mức thù lao cụ thể trong khung mức thù lao từ 500.000 đồng/01 vụ việc đến dưới 1.000.000 đồng/01 vụ việc.

Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án nhân dân chi trả mức thù lao căn cứ vào số lượng phiên hòa giải, đối thoại và tính chất phức tạp của vụ việc hòa giải, đối thoại.

Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải viên được hưởng mức thù lao 500.000/01 vụ việc.

Tòa án nơi giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại chi trả thù lao cho Hòa giải viên sau khi đã tiến hành hòa giải, đối thoại và chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án./.

Top